8 tháng 11, 2016

Củ nần


Cả cái làng này, ai mà không biết củ nần. Chẳng những biết mà còn mang ơn nó nhiều nữa. Thời chiến tranh, không có nó cứu đói hẳn cả làng này đã đi tong từ lâu. Còn bây giờ, gạo xuất khẩu sáu, bảy triệu tấn hàng năm mà nói chuyện ăn độn củ nần thì nghe hư cấu quá, có chăng là trong truyện cổ tích.


Ừ, thì cổ tích.

Củ nần còn có tên là nừng, nê hay nâu. Ăn được, nhưng phải biết cách chế biến. Thái mỏng rồi ngâm qua bốn, năm lần nước trong, mỗi lần một ngày để giải hết chất độc. Nếu không, ăn vào thì cổ họng sẽ bỏng rát, ngứa dữ dội, choáng váng, nôn mửa, không chữa chạy kịp thời thì tử vong. Nần khô, ghé với cơm như khoai, như sắn. Giã nhỏ nấu xôi hay nướng trong ống lồ ồ cũng ngon như cơm lam nhưng chắc chắn là hương vị “đặc biệt” hơn nhiều.

Nhà có năm miệng ăn mà chỉ hai người làm. Vất vả lắm. Cơm trắng, muối mặn là ngon lắm rồi. Có thêm con tép, con rô thì bố chúng phải lội suối từ tờ mờ sáng hay thả lờ, úp nơm từ đêm trước.

Làng không có cánh đồng lúa nước. Năm, một mùa lúa rẫy, một mùa ngô. Mùa gặt, bụng bọn trẻ con đứa nào cũng căng cứng dù chỉ là cơm với rau. Cơm không phải độn sắn, khoai nên thành cao lương, đặc sản. Cơm ngon thì tiếng cười nói theo đó cũng tươi giòn. Rương gạo đầy ắp, ngạo nghễ chiếm một góc nhà. Đêm, lũ chuột tha hồ nhảy nhót, ù éc trên đó nghe cũng vui vui.

Công việc đồng áng vừa xong là tới mùa mưa. Mưa tì tì. Ngày ba bữa đỏ bếp, quanh quẩn mỗi chuyện nấu nướng. Vừa xong món này đã bày món kia. Nghĩ, đàn bà ở không chắc chịu chẳng nổi.

Hết mùa mưa thì gạo cũng hết, cạo rương sồn sột, mẹ mệt lả ngồi thừ.

- Chẳng còn gì để ăn.

Mẹ chổng rá gạo lên trời. Bố, mắt không rời quân cờ, tay giơ lên nắm đấm.

- Đói chả chết. Bao nần còn nguyên cả đấy. Ăn cho sướng mồm vào.

Nước mắt mẹ trào ra. Mẹ đờ đẫn đi về phía bao nần.

Rồi bao nần cũng vơi. Với lũ trẻ thì nần hay cơm cũng thế. Một thứ dẻo dẻo thơm thơm. Một thứ bùi nghẹn. Thứ nào ăn vào cũng no, cũng chạy nhảy chơi đùa được cả thì câu nệ làm gì. Chúng vẫn lớn hôi hổi, trùng trục, đen nhay nháy. Sách vở cũng nhàu nhĩ như chúng. Trong thâm tâm chúng, trường học đúng là cái sân chơi của thời tuổi trẻ. Cái sân chơi ấy dạy chúng khôn hơn chút thôi, nghĩa là biết đọc biết viết, biết năm cộng năm là mười, biết đếm tiền là được. Còn chuyện học hành ư. Cả làng này ai mà chẳng đi học, nhưng có ai là không cuốc đất. Học như là một nghĩa vụ. Mà không học thì cũng chẳng biết làm gì. Vừa học, vừa chơi cũng tốt chứ sao.

- Về ăn cơm, các con.

Mẹ gọi.

- Mẹ phải nói là ăn màu mới đúng chứ ạ- thằng con lớn, lý sự.

- Cha mày, văn với vẻ.

Bữa ăn hôm ấy, mẹ ngồi đầu nồi. Bà đơm cho từng bát lớn. Ăn cơm nần với rau tập tàng chấm kho quẹt. Một loáng thì nồi trống trơ, bà đưa mắt nhìn chồng cầu cứu. Ông ngán ngẩm.

- Mẹ kiếp, củ nần mà cũng chả có để ăn.

Hôm sau, ông trộn vào nần khô một ít nần sống mới dang qua hai lần nước. Ăn thì hơi ngưa ngứa nhưng chắc chẳng sao. Nồi nần hôm ấy tưởng thiếu hóa ra thừa. Vợ trách chồng:

- Ông ác quá!

- Nhưng không thế, thì làm sao sống qua ngày giáp hạt?

Ơn trời, chẳng đứa con nào đau ốm gì. Ông cũng đâu phải là thánh. Ông cũng nhát bỏ xừ. Để giải độc, ông đã nấu một nồi nước vỏ đậu xanh, phòng hờ. Không dùng cho việc giải độc thì uống cũng tốt, cũng mát. Đêm ấy, ông chẳng thể nào ngủ yên, hết rờ trán đứa này đến đứa khác. Lo lo, bần thần. Sáng hôm sau, ông cũng chưa an lòng. Ông dò xét cử chỉ của từng đứa con xem có gì thay đổi. Ông vui mừng khi thấy chúng vẫn nô đùa bằng những trò chơi còn táo tợn hơn trước. Ông nhớ câu đức năng thắng số, nhưng không liều thì không thể vượt qua số phận. Thảo nào, người ta gọi ông là lão nông gàn.

***

Bây giờ thì các con ông đã trưởng thành cả rồi, chúng đâu thèm ở cái làng khỉ ho, cò gáy này nữa. Chúng ra phố làm ăn, sinh sống. Nghe đâu cũng khá giả. Chúng nài nỉ vợ chồng ông đến chơi, nhưng ông thấy chưa tiện. Ông ngại mình quê mùa. Nhà vắng tanh, hai vợ chồng già thui thủi. Tay làm hàm nhai, chả phải lo nghĩ gì. Lâu lâu, cơm cũng độn củ nần nhưng không còn thường xuyên như trước. Thèm, ông bà làm bánh hay nấu xôi mời khắp xóm cùng ăn. Nhớ đến ngày xưa, bà hàng xóm buồn buồn:

- Ngày ấy, tôi cũng như ông bà, cũng nghèo, cũng ăn củ nần. Nhưng vợ chồng, con cái ông bà còn đầy đủ cả, còn tôi thì không. Có đứa con duy nhất cũng phải theo ông bà ông vải. Buồn thúi ruột.

- Nó bịnh à.

- Không, tại củ nần độc ác này này.

- Nghĩa là…

- Đói quá, nấu ăn bừa.

Hai người đàn bà đưa tay lau nước mắt. Ông ngó sang phía khác. Phải chi ngày ấy, nhà ông có nhiều củ nần khô thì ông đâu bủn xỉn làm gì. Tội nghiệp, mẹ góa con côi. Tính toán đàn bà. Ăn chẳng no, lo chẳng tới.

Giờ, thì ông mới nghiệm ra một điều là trong gian khó, bản thân con người có một sức mạnh vô hình giúp họ băng qua hoạn nạn. Trong tảo tần, vất vả, bản thân con người có một sức chịu đựng dẻo dai vô cùng. Ông trời cũng rất chu đáo, ông cho con người chết đói khó hơn chết khát. Nước thì dễ tìm. Ông cũng không quên khuyên người đời ăn uống đạm bạc thì ít bệnh tật. Vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn. Đúng quá, hợp với người nghèo quá. Đại dịch gút, béo phì ngày càng trương nở. Giàu cũng chẳng dám ăn gì. Thấy hải sản tươi ngon càng sợ, thịt đỏ càng kinh, ăn vào chân cẳng sưng tấy đau nhức vô cùng. Dùng nhiều tân dược thì mau tiêu tùng ruột, gan. Vậy mà, cả cái làng này chẳng ai đau bệnh ấy bao giờ. Không nghi ngờ gì nữa, đích thị là nhờ củ nần. Ông nghĩ, có một loại thần dược nào đó trong loại củ này, chúng nép giữa hai lằn sinh tử? Ông không chắc lắm. Nhưng ông đinh ninh thế, bởi vì người ông rất khỏe, cả vợ ông nữa và chắc cả làng này nữa. Không khỏe, sao sáu, bảy mươi tuổi vẫn cuốc đất ào ào.

Cháu nghỉ hè, vợ chồng ông lên thăm cháu. Con cái, dâu rể ai cũng vui mừng, nhất là các cháu của ông. Ông nhìn chúng đăm đăm đứa nào cũng xinh xắn, trắng trẻo nhưng hơi ục ịch, bủng beo. Không như con ông ngày xưa, đen nhẻm, gầy gò nhưng rắn chắc. Ông chưa phân biệt rạch ròi được lý do nào. Ông nghĩ tới chuyện ăn uống:

- Hôm nay các cáu thích ăn món gì nào?

- Dạ, tùy nhà hàng đó có món gì ngon, ông ạ.

- Ngày nào cũng thế?– ông trố mắt.

Mẹ chúng cắt ngang:

- Làm gì có vậy cha? Hôm nay là ngày đặc biệt chúng con mời cha mẹ. Còn với các cháu thì sinh nhật hay các ngày lễ lớn mới được đi nhà hàng. Cha làm như ở phố dễ kiếm tiền lắm đấy…

Thôi thì ê hề mỹ vị cao lương, chúng nài nỉ ông gọi món gì ông thích. Món gì ông cũng thích nên chẳng biết thích món gì. Hơn nữa, với ông ăn là để lấy no. Ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn. Ngon hơn hay dở hơn một chút đều chấp nhận được, miễn là giá cả hài hòa. Rồi khi tiệc tàn, người hầu bàn hỏi con ông dùng món tráng miệng nào. Nhìn menu thấy tên món chè hay hay, nhắc nhớ về quãng ngày cùng cực, con ông gọi cho mỗi người một ly. Khi ăn, các con ông đều nhìn cha mẹ chúng cười cười. Ông cũng cười nhưng đâu biết gì đâu.

- Cha ăn món này có ngon không?– con ông hỏi.

- Chắc đắt?

- Bốn chục ngàn một ly đó, cha.

- Bằng sáu, bảy ký lúa cơ à?

- Dạ, nhưng con hỏi cha ăn có ngon không?

- Ngon, nhưng nó làm sao ấy… Nhai sực sực, quen quen…

Các con ông cười ồ, khoái chí.

- Món “cuốc tuôi” đó cha!

- “Cuốc tuôi” là gì, nghe Tây Tây…

- Dạ, là chè củ nần.

Ông buông muỗng, mắt trân trân nhìn ly chè còn quá nửa. Ông nghẹn.

Lý Thị Minh Châu (Lâm Đồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét